Tin tức cập nhật 24/24 về thị trường mua - bán, thuê - cho thuê bất động sản trong và ngoài nước. Cập nhật các dự án mới, tiến độ dự án BĐS, chủ trương, chính sách về đất đai, nhà cửa. Ý kiến đánh giá của chuyên gia BĐS.

Thị trường nhà đất "xì hơi", người trúng đấu giá bỏ cọc tháo chạy

29/08/2021 06:11

Một huyện của Thanh Hoá vừa phải huỷ quyết định trúng đấu giá đất đối với 50 cá nhân do quá thời hạn không nộp tiền sau khi trúng đấu giá.
UBND huyện Hoằng Hóa vừa ký quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu dân cư xã Hoằng Thành đối với 21 cá nhân và 29 cá nhân khác trúng đấu giá tại khu dân cư xã Hoằng Đồng vào khoảng tháng 3/2021.

Theo UBND huyện Hoằng Hóa, lý do hủy kết quả trúng đấu giá trên là do đã quá thời hạn khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá.



Người dân tập trung tại UBND xã Xuân Sinh (Thọ Xuân, Thanh Hoá) để tham gia phiên đấu giá đất tháng 4/2021. Ảnh Phạm Xuân Chinh

Tình trạng khách hàng bỏ cọc dẫn tới việc chính quyền phải hủy kết quả đấu giá cũng xảy ra trước đó ở Bắc Giang. Cá biệt, theo kết quả rà soát của UBND huyện Lạng Giang, đến thời điểm tháng 4/2021, toàn huyện còn 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Các lô đất trên có diện tích từ 90 m2 đến hơn 200 m2/lô, thuộc thôn Chùa, xã Thái Đào, 55 lô; thôn Vàng và khu dân cư chợ Năm, xã Tiên Lục, 37 lô; thôn Thanh Lương, Cầu Đá và khu cổng UBND xã Quang Thịnh, 3 lô; thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, 3 lô; tổ dân phố Tân Luận, thị trấn Vôi, 4 lô; tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép, 1 lô.

Tổng số tiền các lô đất khách hàng trúng đấu giá hơn 156 tỷ đồng, chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Ở giai đoạn trước đó, trong tháng 10, 11/2020 toàn TP Bắc Giang tổ chức 3 phiên đấu giá đất. Cả 3 phiên này đều có khách hàng bỏ cọc. Cụ thể:

Tại các phường: Trần Phú, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Xương Giang, Mỹ Độ và xã Đồng Sơn, Tân Mỹ có 6 lô bỏ cọc với số tiền trúng đấu giá hơn 10,6 tỷ đồng, chênh so với giá khởi điểm hơn 5,6 tỷ đồng. Số tiền bỏ đặt cọc là 600 triệu đồng.

Tại phường Dĩnh Kế, xã Đồng Sơn, xã Dĩnh Trì có 16 lô bỏ cọc,số tiền trúng đấu giá hơn 41,5 tỷ đồng, chênh so với giá khởi điểm khoảng 26,3 tỷ đồng. Số tiền bỏ đặt cọc hơn 1,6 tỷ đồng.

Tại khu dân cư cạnh quốc lộ 17 phường Đa Mai và khu dân cư cạnh Bệnh viện Nội tiết tỉnh, xã Tân Mỹ có 18 lô bỏ cọc, số tiền trúng đấu giá hơn 43 tỷ đồng, chênh khoảng 25 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Số tiền bỏ đặt cọc 2,3 tỷ đồng.

Tương tự, trong tháng 10/2020 huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã tổ chức tổng cộng 4 phiên đấu giá. Sau rà soát có 4 trường hợp bỏ cọc, không nộp tiền. Trong đó có 3 trường hợp bỏ cọc 3 lô đất tại khu dân cư mới Nham Sơn với tổng số tiền trúng đấu giá khoảng 8,2 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Ở khu dân cư mới tổ dân phố Kem, Phương Sơn, khách hàng bỏ cọc 1 lô đất, số tiền trúng đấu giá 3,8 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm 1,9 tỷ đồng.

 

Nhiều lô đất tại khu dân cư phường Cộng Hòa ( TP Chí Linh, Hải Dương) bỏ hoang sau đấu giá. (ảnh chụp tháng 4/2021) Ảnh M.K

Theo đánh giá của chuyên gia, mục đích của việc đấu giá là tìm ra nhà đầu tư nghiêm túc nhất trong những nhà đầu tư nghiêm túc. Đất được giao hoặc được cho thuê thông qua đấu giá để được sử dụng, khai thác một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, tại một số buổi đấu giá, giá thường bị đẩy lên cao trong các trường hợp việc đấu giá bị giới đầu cơ thao túng. Khi đó, đất được mua chỉ để được bán lại. Nhà đầu cơ liều lĩnh nhất sẵn sàng trả giá cao để mua và thiết lập tình trạng độc quyền hoặc ít nhất là địa vị khống chế của nhà cung ứng để có thể thoải mái hét giá cao ngất đối với hàng hóa của mình.

Hệ quả là đã có nhiều nơi, đất đấu giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm nhưng sau đó lại bị bỏ hoang. Nhiều trường hợp trúng đấu giá khác lại "bỏ cọc"…

Về diễn biến thị trường, ngay sau Tết Nguyên đán 2021, tình trạng "sốt đất" xảy ra ở nhiều địa phương. Trong đó, xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản tung tin đồn, mua đi bán lại, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông... bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi.

Đơn cử, tại một xã nông thôn của huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), đầu tháng 4/2021, chính quyền tổ chức đấu giá 23 lô đất, mỗi lô từ 125 đến 150m2 nhưng có đến hơn 1.000 bộ hồ sơ tham gia. Chưa bao giờ cuộc đấu giá đất ở một vùng quê mà thu hút hàng nghìn người dân địa phương và nhiều cá nhân, tổ chức môi giới và kinh doanh bất động sản từ khắp nơi đổ về tham dự như vậy.

Từ giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô đã được đấu lên tiền tỷ (từ 1 - 1,3 tỷ đồng/lô). Đặc biệt, có hơn 1.000 hồ sơ tham gia đấu giá 23 lô đất nhưng chỉ có 4 người trúng đấu giá. Nhiều người tham dự đã sửng sốt khi nghe đơn vị đấu giá công bố kết quả trúng đấu giá của 23 lô đất này.

Sang quý II/2021, với sự vào cuộc kiểm soát của các bộ ngành và chính quyền địa phương, hoạt động mua bán, thị trường bắt chững lại. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đã khiến thị trường bất động sản ở nhiều địa phương "đóng băng" do phải thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch.

Theo Cafeland

bình luận

Facebook
Google +

Tin rao liên quan

BĐS bán
BĐS cho thuê
Tin đã lưu