Tin tức cập nhật 24/24 về thị trường mua - bán, thuê - cho thuê bất động sản trong và ngoài nước. Cập nhật các dự án mới, tiến độ dự án BĐS, chủ trương, chính sách về đất đai, nhà cửa. Ý kiến đánh giá của chuyên gia BĐS.

Thanh Hóa: Phát triển đô thị - nhìn từ công tác quy hoạch

03/09/2018 00:38

Để bảo đảm phát triển đô thị theo hướng nhanh, bền vững, ngày 11–4–2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ–UBND, phê duyệt chương trình phát triển đô thị tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021–2030.

Một góc TP Thanh Hóa. 

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt 35% (hiện nay đạt khoảng 23%); hệ thống đô thị bảo đảm chất lượng phù hợp với loại đô thị và cấp quản lý hành chính đô thị, bao gồm 70 đô thị. Trong đó, 1 đô thị loại I (TP Thanh Hóa), 3 đô thị loại III (TP Sầm Sơn, TP Bỉm Sơn, TP Nghi Sơn), 6 đô thị loại IV (thị trấn Lam Sơn – Sao Vàng, thị trấn Ngọc Lặc, thị trấn Rừng Thông, thị trấn Hà Trung, thị trấn Quảng Xương, thị trấn Thọ Xuân), còn lại là đô thị loại V...

Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Xây dựng đã chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch và tăng cường công tác quản lý quy hoạch – kiến trúc. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng các dự án đều được chủ đầu tư, các địa phương tuân thủ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đô thị. Triển khai đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng diện rộng, bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công trình đầu mối kết nối các đô thị (hệ thống giao thông, các công trình đầu mối về cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, nghĩa trang, khu xử lý chất thải rắn, viễn thông...). Các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, sử dụng nguyên vật liệu, đến nghiệm thu, bàn giao, bảo trì, bảo hành công trình xây dựng... Tiếp tục đổi mới, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Đồng thời, phối hợp thực hiện kế hoạch và chương trình xây dựng đô thị thông minh với các thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng gắn với phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Quá trình lập quy hoạch xây dựng được thực hiện bảo đảm cẩn trọng, tỉ mỷ, có đầy đủ luận chứng khoa học và yêu cầu thực tế...

Trên địa bàn TP Thanh Hóa đang triển khai quy hoạch, thực hiện quy hoạch phát triển nhiều đô thị. Như việc triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch khu vực núi Long với mục tiêu tạo điểm nhấn không gian, tạo nên hệ thống công viên có hoạt động văn hóa, du lịch và nghỉ ngơi thuận lợi ở khu vực trung tâm TP Thanh Hóa. Khu vực núi Long được xác định là khu sinh thái phía Nam thành phố, gắn kết mật thiết Khu du lịch Mật Sơn, vành đai xanh, thảm thực vật bảo vệ môi trường nguồn nước hồ núi Long và khu vực hồ dự trữ nước sạch của Nhà máy nước Thanh Hóa... Đi đôi với đó là việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng ở các khu đô thị mới; chỉnh trang, nâng cấp đô thị... được thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng.

Quá trình huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo đúng quy hoạch cũng được các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Trước hết, thực hiện việc rà soát hiện trạng, hoàn thiện các đồ án quy hoạch và khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật của các khu vực đô thị, khu công nghiệp. Có giải pháp huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư hệ thống giao thông, thoát nước, thu gom và xử lý rác thải. Ví như việc triển khai đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị được thực hiện có hiệu quả và hiện tỷ lệ dân số đô thị trên địa bàn tỉnh được hưởng dịch vụ thoát nước chiếm 85%. Về thoát nước mưa, phấn đấu đến năm 2020, xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị loại IV trở lên, tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 70% diện tích lưu vực thoát nước trong các đô thị. Đến năm 2030, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng ngập úng thường xuyên và tỷ lệ bao phủ hệ thống thoát nước đô thị đạt 90% diện tích lưu vực thoát nước trong các đô thị. Thoát nước thải sinh hoạt, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 60%. Đến năm 2030, tỷ lệ nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 80%.

Đi đôi với việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đáp ứng ngày càng tốt hơn việc phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành, các địa phương đã và đang huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chủ trương của tỉnh là, đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (kể cả nguồn vốn ODA), nguồn tín dụng đầu tư ưu đãi của Trung ương, nguồn vượt thu, tăng thu từ kinh tế địa phương ưu tiên cho đầu tư phát triển trong đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, hạ tầng khung trong các khu đô thị, các công trình đầu mối trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường đô thị. Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách, ưu tiên cho phát triển các dịch vụ công trong đô thị, như thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường, chiếu sáng; phát triển các khu vực mở rộng tái thiết đô thị, các khu đô thị có chức năng chuyên biệt. Đồng thời, ưu tiên tập trung nguồn lực cho các dự án đầu tư và phát triển các đô thị trung tâm vùng kinh tế động lực làm khâu đột phá, có sức lan tỏa lớn, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, kích thích phát triển đô thị từng vùng.

 
 

Xuân Cường (SXD)

bình luận

Facebook
Google +

Tin rao liên quan

BĐS bán
BĐS cho thuê
Tin đã lưu